THỂ THAO

quotidien Saigon Giai Phong, page Sports, le 04/9/2007

Hơn 15 năm trước, cùng tháp tùng theo đoàn Quán khí đạo Việt Nam do võ sư Phạm Xuân Tòng dẫn đầu về nước biểu diễn nhân dịp ra mắt Liên đoàn Võ thuật TPHCM, có một chàng trai người Pháp gốc Việt mảnh khảnh. Nhìn vóc dáng của anh lúc ấy, ai cũng nghĩ anh là một thư ký trong đoàn và không thể là một môn sinh võ thuật, trong người chứa đầy các ngón đòn lợi hại. Tôi biết anh lần ấy, nhưng bẵng đi một thời gian hơn 5 năm mới gặp lại anh, cũng nhân một chuyến về quê hương công tác võ thuật.

Tháng 5-2000, tôi có dịp ghé Paris trong chuyến công tác dài ngày tại châu Âu. Lần này, tôi có nhiều dịp trò chuyện cùng anh và mới biết anh là tay võ nghệ cao cường, một nghệ sĩ sáng tác các ca khúc trữ tình, từng in ra băng đĩa và quan trọng hơn đang là “ông tổ” của một môn phái võ thuật mới, mà cái tên vừa nghe qua không thấy “tính chiến đấu” gì cả: Môn võ Thủy Pháp.

Biết tôi ngạc nhiên về tên gọi, anh từ tốn giải thích theo phong cách xưa nay vẫn thế của anh: “Thủy là nước. Không có gì mềm mại, nhẹ nhàng, nhưng cũng rất dữ dội. Thủy Pháp là môn võ Việt Nam kết tinh tất cả các đặc tính, ưu điểm ấy của nước”.

Anh cho biết cái gốc của võ thuật không phải bắt đầu bằng trị người, triệt hạ đối thủ, mà trước hết là tự khắc chế lấy mình, tự làm mới mình, hay nói thẳng thừng là tự trị mình trước. Người tập Thủy Pháp trước tiên sẽ cảm thấy mình khỏe khoắn, rồi sau đó mới tính đến chuyện tập sang những thứ khác.

Sau này, anh về Việt Nam thường hơn, với mong ước: “Tôi muốn về ở hẳn tại Việt Nam, vì các con tôi hiện nay đã lớn. Nó cần biết về cội nguồn, về dân tộc”. Anh không giấu giếm việc mua đất, cất võ đường và dạy Thủy Pháp tại ngoại ô TPHCM. Anh muốn thanh niên Việt Nam được tập luyện tinh thần Việt Nam, mềm mại, khéo léo, nhưng cũng rất mạnh mẽ, kiên cường. Làm bạn cùng anh khá lâu, tôi biết người đàn ông nhỏ thó, mảnh khảnh này hễ nói là làm và làm rất cương quyết.

Có lần anh kể những ngày đầu lập môn phái ở đất Bỉ hồi 2002, anh gặp nhiều khó khăn. Những người bạn thân thiết như ruột thịt trước đây, nay cũng quay ra e dè, tị hiềm, như thể anh “đập bể nồi cơm” của họ vậy. Lớp học Thủy Pháp đầu tiên mở tại thủ đô Brussell chỉ vỏn vẹn chục người, nhưng các bạn trẻ tập luyện rất say mê, chuyên cần. Đó cũng là tính cách của người châu Âu nói chung và dân Bỉ nói riêng. Một khi họ bị thuyết phục, xác định được cái gì là tốt cho họ là theo đến cùng, học đến nơi đến chốn.

Huỳnh Chiêu Dương tâm sự, giao thừa Tết cổ truyền năm ấy, nhóm võ của anh được Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ mời tham gia chương trình biểu diễn trong đêm văn nghệ mừng xuân. Cả nhóm hồi hộp lắm, nhưng rồi mọi việc cũng tốt đẹp. Nhờ lần đó, tiếng tốt đồn xa, cộng với lao động cực nhọc của thầy trò mà lớp học nâng lên thành võ đường, mở rộng ra mãi.

Hôm rồi dạo trong YouTube, tôi tình cờ xem được mấy đoạn video clip giới thiệu Thủy Pháp dài độ 5 phút. Rồi ngao du trong mạng tìm ra trang web giới thiệu môn võ, với địa chỉ
www.thuyphap.be được truyền tải bằng 4 thứ tiếng Pháp, Bỉ, Anh và Tây Ban Nha. Tôi chợt nghĩ: Thủy Pháp là môn võ Việt. Hôm nay nó mới chỉ là con suối nhỏ, nhưng mai này nó sẽ là dòng thác lớn đổ ra đại dương mênh mông.

Tư tưởng võ học của Thủy Pháp

Trong võ thuật Việt Nam chia làm hai hệ tư tưởng, dựa vào hai đặc tính rất tự nhiên là lửa và nước.

Nhóm đầu tiên là các môn võ mang tính đối kháng cao như Việt võ đạo, Quán khí đạo (Qwankido), Tinh võ đạo. Nhóm này chủ yếu dùng sức mạnh cơ bắp tạo ra ngoại lực. Còn nước là tinh thần xây dựng môn Thủy Pháp, xây dựng sức mạnh nội lực (internal energy), rèn luyện thể lực, cách thức tự bảo vệ, xây dựng nền tảng sức khỏe, thoải mái trong cuộc sống.

Minh Hùng



made by chris..