Nhân Dân

Nâng tầm Võ Việt
Cập nhật lúc 18:12, Chủ nhật, 05/08/2012 (GMT+7)

Trình diễn võ thuật trong đêm khai mạc liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam lần thứ tư.
NDĐT- Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam Bình Định đang dần trở thành thương hiệu vùng “đất võ trời văn” này. Hơn một nghìn võ sư, võ sĩ của 69 đoàn quốc tế và 28 đoàn trong nước, không phân biệt mầu da, sắc tộc, tôn giáo, chủ hay khách… cùng thành kính hành hương về nguồn, cùng tiếng nói chung, cùng một ý nguyện: bảo tồn và phát triển võ Việt Nam trên toàn thế giới.

Rạng ngời tinh hoa võ Việt

Buổi sáng hôm ấy, ở võ đường của võ sư Hồ Sừng ở thôn Hòa Mỹ, xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn, hậu duệ của võ sư Hồ Ngạnh (người khai môn và làm rạng danh roi Thuận Truyền), chứng kiến cảnh hàng trăm võ sư, võ sinh từ già đến trẻ, với nhiều mầu da, ngôn ngữ...xếp thành hàng dài chờ đến lượt mình được thành tâm dâng hương, cúi lạy tổ đường rồi cùng nhau say sưa quần thảo trong từng đường quyền, thế võ

Trước bàn thờ tổ, tất cả đều lặng đi vì xúc động. Nhà báo - nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Lan Hương, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Thế giới đẹp thốt lên: “Phải đến đây, tôi mới cảm nhận được hết sức mạnh quyến rũ - kết tinh từ bao vỉa tầng lịch sử, văn hóa Bình Định - tinh lọc nên võ Tây Sơn - Bình Định. Võ cổ truyền Việt Nam, võ Tây Sơn Bình Định đã trở thành ngôn ngữ hội nhập toàn cầu...".

Võ sư Hồ Sừng chia sẻ: “Buổi giao lưu đã ghi nhận tình hữu nghị gắn bó gần gũi. Đây là dịp để chúng tôi học hỏi được những cái hay của nhiều môn phái võ cổ truyền Việt Nam, để mỗi người càng thấy phải nỗ lực hơn để tiếp tục bảo tồn và phát huy võ cổ truyền Bình Định”.

Tôi gặp lại Trần Hélène, cô võ sư xinh đẹp từng được giải khuyến khích cuộc thi "Người đẹp quốc tế võ thuật cổ truyền lần thứ 3”. Lần này cô đến Liên hoan với tư cách trưởng đoàn Cửu Long võ đạo (Pháp). Là người tham gia cả bốn lần liên hoan, nhưng ngay từ lần đầu tham gia liên hoan, Trần Hélène lúc ấy mới chỉ 15 tuổi đã để lại nhiều ấn tượng mạnh với đồng nghiệp, người hâm mộ và báo giới bởi tài năng võ thuật của mình. Cô cho biết: “Các môn sinh người Pháp của Cửu Long võ đạo khi về đây đều rất vui và và càng thêm yêu quí môn võ mà họ theo đuổi. Sắp tới em sẽ quay về Việt Nam chuẩn bị tham gia một bộ phim về võ thuật. Đấy cũng là dịp em có thể tìm hiểu sâu sắc hơn về tinh hoa của võ Việt”.

Cha của Trần Hélène, võ sư Trần Hoài Ngọc, Chưởng môn phái Cửu Long võ đạo, đang định cư tại thành phố Nice, miền nam nước Pháp. Lần này ông Ngọc không về dự liên hoan được nhưng cả ba kỳ liên hoan trước ông đều tham gia.

Theo ông Ngọc, chỉ có khi đứng trên chính mảnh đất này mới thấy rưng rưng, mới cảm nhận được hết giá trị tinh hoa võ Việt. Do vậy, nhiều năm qua, trong những cố gắng quảng bá võ học truyền thống, Cửu Long võ đạo không chỉ phát huy võ dân tộc mà còn truyền bá y học cổ truyền và văn hóa Việt Nam. Chính học võ, nghiên cứu y học cổ truyền đã giúp ông Ngọc được nhiều người bản địa yêu mến. Và ông đã truyền niềm đam mê ấy cho các bạn Pháp, và họ đã giúp ông mở võ đường để dạy họ và con em của họ.

Đến nay, môn phái Cửu Long võ đạo đã có sáu võ đường ở nhiều vùng của nước Pháp với hàng nghìn võ sinh người Pháp theo học. Ông Ngọc có vợ và bốn người con. Vợ và các con ông ông đều tốt nghiệp đại học và đã từng vô địch quyền thuật toàn Pháp, đều là huấn luyện viên của môn phái.

Ông Jean Philippe Crevecoeur , huấn luyện viên môn phái Thủy Pháp Việt Nam tại Bỉ chia sẻ: “Võ cổ truyền Việt Nam càng học càng mê. Bởi bên trong những đường quyền, thế võ, người học còn tạo được cho mình ý chí mạnh mẽ, tự tin trong cuộc sống. Các võ sư Việt Nam luôn toát ra một ý chí quả cảm, mạnh mẽ; một phong thái ôn hòa; một tâm hồn thanh tao. Đó là lý do ngày càng có nhiều người Bỉ theo học võ Việt. Về Việt Nam lần này, đoàn chúng tôi đều chung một tâm trạng: lúc đầu là sự hồi hộp, lo sợ vì sự choáng ngợp của lễ hội, của trình độ siêu đẳng của võ sư, võ sĩ miền đất võ nhưng ngay sau đó chúng tôi cảm nhận được sự thân thuộc và mong muốn được quay về đây nhiều lần nữa".

Tại vòng chung kết “Người đẹp Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam năm 2012”, thí sinh Valeriya Ryabova đến từ môn phái Tinh võ đạo (Nga), người đã tham gia tất cả bốn lần Liên hoan đã đăng quang Hoa khôi - ngôi vị cao nhất của cuộc thi. Cô nói: “Tôi đã học võ được 15 năm rồi. Lúc đầu, tôi học võ cổ truyền Việt Nam chỉ vì tò mò nhưng càng học tôi càng yêu thích môn võ này. Học võ cổ truyền Việt Nam giúp tôi thêm mạnh mẽ và tự tin. Các thí sinh tham gia cuộc thi này đều rất đẹp và giỏi võ. Đặc biệt, tôi rất nể phục các thí sinh đến từ Bình Định. Họ đẹp dịu dàng nhưng lại rất mạnh mẽ.. Sự hấp dẫn và yếu tố thiêng liêng khi đến với vùng đất được xem là cái nôi của võ cổ truyền Việt Nam lần đầu tiên đã tạo động lực đưa tôi đến với các lần Liên hoan tiếp theo. Chắc chắn sau Liên hoan này, tôi sẽ giới thiệu môn võ cổ truyền Việt Nam và phong cảnh, con người cũng như các món ăn rất ngon và độc đáo của Bình Định cho bè bạn và người dân ở nước Nga của tôi”.

Nâng tầm võ Việt

Hội thảo “Nâng tầm võ Việt” được tổ chức trong khuôn khổ liên hoan chiếm được sự quan tâm đặc biệt của các nhà nghiên cứu, những người đang theo đuổi nghiệp võ trên phạm vi toàn cầu. Tại đây người ta bàn bạc việc thành lập Liên đoàn thế giới võ cổ truyền Việt Nam.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc: “Chúng ta đang chứng kiến một mốc lịch sử quan trọng của võ cổ truyềnViệt Nam. Việc thành lập Liên đoàn thế giới võ cổ truyền Việt Nam không chỉ là vấn đề góp phần phát triển vốn quí văn hóa của dân tộc mà nó còn là vốn quí của nhân loại. Do vậy, ngành chức năng cùng với việc du nhập các môn võ thuật của các nước vào Việt Nam cũng phải có trách nhiệm đưa võ cổ truyền Việt Nam ra thế giới. Quan niệm sâu sắc của người Việt Nam văn và võ là một. Nó mang nặng sức sống của người Việt Nam, song hành với sự nghiệp dựng và giữ nước của dân tộc. Để thực hiện được mục tiêu lan tỏa của tinh hoa võ Việt, phải để cho bạn bè năm châu có nhận thức sâu sắc hơn về văn hóa Việt Nam”.

Theo ông Phạm Đình Phong, Phó Chủ tịch Liên đoàn võ cổ truyền Việt Nam: “Võ cổ truyền Việt Nam là di sản văn hóa truyền thống của dân tộc, ra đời, tồn tại và phát triển song hành cùng cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Võ cổ truyền Việt Nam không chỉ đơn thuần là những bài võ nhằm rèn luyện kỹ năng, thể chất của con người, nâng cao khả năng tự vệ, hướng tới sự hòa hợp về thể chất và tinh thần mà thông qua việc tập luyện võ thuật cổ truyền Việt Nam còn khơi dậy lòng tự hào truyền thống thượng võ của dân tộc, tính nhân văn của con người Việt Nam. Hiện nay võ cổ truyền Việt Nam đã khẳng định được vị thế tại 35 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hàng trăm ngàn người tham gia. Rất nhiều tinh hoa của võ cổ truyền Việt Nam đã mai một theo thời gian do vậy cần phải tập trung sưu tầm, bảo tồn và nâng cao các giá trị văn hóa tinh thần đó”. Ngay trước ngày khai mạc liên hoan võ sư Phạm Đình Phong đã phát hành quyển sách “Lịch sử võ học cổ truyền Việt Nam”. Đây là một cuốn sách quí, một công trình sưu tầm công phu nhiều năm của tác giả.

David Basset, võ sư Tinh võ đạo (Pháp) thổ lộ: “Tôi rất vinh dự đại diện cho các môn sinh Tinh võ đạo lần đầu tiên được “hành hương về đất Tổ”, trực tiếp giao lưu với nhiều môn phái khác ngay trên vùng đất của truyền. Về Việt Nam tham dự Liên hoan lần này, một trong những mối quan tâm của chúng tôi là việc tăng cường mối giao lưu giữa các võ phái qua việc vận động thành lập Liên đoàn Thế giới Võ cổ truyền Việt Nam. Cũng như những người yêu võ Việt trên toàn thế giới, chúng tôi rất trông đợi sự ra đời của tổ chức này”.

Ông Lê Kim Hoàn, Liên đoàn võ thuật TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Thông qua con đường võ học cổ truyền, biết bao trái tim trên thế giới đã trở nên gần gũi và yêu mến đất nước sản sinh ra môn võ này. Chúng ta ghi nhận được điều này ở khắp nơi. Tại giải đấu quốc tế võ cổ truyền vừa rồi, khi đón nhận huy chương cùng các văn bằng do Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam cấp, tất cả các võ sư, võ sĩ người nức ngoài đều thể hiện tình cảm vui sướng vỡ òa…Võ cổ truyền vốn đi trước về sau, bây giờ đến thời điểm quyết định. Nếu còn chần chừ, lỡ hẹn là chúng ta có lỗi với tiền nhân, có lỗi với lịch sử, có lỗi với văn hóa dân tộc”.

Đêm bế mạc Liên hoan Quốc tế võ cổ truyền Việt Nam lần thứ tư tại Sân vận động thành phố Quy Nhơn đầy lưu luyến.

Hình ảnh các lão võ sư, các môn sinh tuổi nhi đồng, dù là người Việt hay người nước ngoài đều ôm chặt lấy nhau như không muốn rời xa, như không muốn để thời gian trôi qua.

Nhìn đoàn người nước ngoài xếp hàng vào dâng hương, trong đó có cả những ông già, trung niên cả các cậu bé, cô bé người Âu đang cúi lạy tổ đường, tôi tin chắc chắn rằng tài sản quý giá của cha ông mình - võ Tây Sơn Bình Định sẽ không mất, mãi trường tồn và phát triển.

Và để nâng tầm võ Việt - xứng với vị trí của nó còn rất nhiều việc phải làm.

Bài, ảnh: ĐÀO CÁT HÙNG


made by chris..